Bài toán khó cho ngành gổ dán
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2009 kim ngạch nhập khẩu ván MDF của Việt Nam đạt 10,44 triệu USD, tăng 4,4% so với tháng 6/2009. Trong đó ván MDF là chủng loại gỗ nguyên liệu có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất (51,9 triệu USD) trong 7 tháng đầu năm 2009.
Nhu cầu sử dụng ván MDF cho ngành sản xuất đồ gỗ trang trí nội, ngoại thất là rất lớn nhưng các doanh nghiệp trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 30%, hàng triệu mét khối MDF nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan…
Chính sự phụ thuộc này đã hạn chế sự chủ động và khả năng cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tại Bình Phước năm 2008, Tập đoàn Kim Tín (Kim Tín Group) khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ván nhân tạo tổng hợp MDF (Medium Density Fiberboard) tại tỉnh Bình Phước vào năm 2008 đã mang lại tín hiệu vui góp phần giải “bài toán” khó của cả ngành ván ép đồ gỗ.
Đến nay, sau một năm xây dựng, Kim Tín vừa chính thức đưa giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất ván nhân tạo tổng hợp MDF tại trung tâm huyện Đồng Phú đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 80.000m3/năm.
Được biết, trên diện tích 24 ha, kho rộng 1 ha và được đầu tư trên 200 tỉ đồng với công nghệ sản xuất Châu Âu hiện đại, hệ thống ép nóng tiêu chuẩn ISO 9001:2000, nhà máy này sẽ cung cấp 160.000 m3/năm cho thị trường các sản phẩm đạt chất lượng tương đương các sản phẩm nhập khẩu cùng loại với giá thành cạnh tranh hơn.
Hiện tại, sản phẩm gỗ MDF Timbee đã có kết quả thẻ nghiệm của Quastest 3, SGS và đạt tiêu chuẩn ván MDF của Châu Âu, dự kiến sẽ giành thêm chứng chỉ E1, CARB-P, CARB-P2 vào cuối năm 2009.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch HĐQT Kim Tín Group cho biết, đánh giá về chất lượng của Timbee, các khách hàng trong lĩnh vực gỗ cho rằng Timbee không thua kém gì sản phẩm của Thái Lan và Malaysia về độ phẳng, độ cứng, sắc nét đường cắt, độ bóng, màu sắc tươi... và giá lại cạnh tranh. Đồng thời công ty cũng đã có một số đối tác lớn như Mộc Đại, Satimex, Minh Dương…
Với ưu thế đặt Nhà máy tại tỉnh Bình Phước, nơi có trữ lượng cây công nghiệp khá lớn của Việt Nam, nguồn nguyên liệu có sẵn khá dồi dào sẽ giúp cho nhà sản xuất đảm bảo cho quá trình sản xuất được liên tục và ổn định. Về lâu dài, Kim Tín đã có kế hoạch triển khai dự án trồng 5.000 ha rừng ngay tại tỉnh Bình Phước với số vốn đầu tư dự kiến là 100 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển đến năm 2010 toàn bộ hệ thống các nhà máy của Kim Tín tại Tp.HCM, Long An, Hưng Yên… đạt ngưỡng con số 100.000 tấn/ năm.
Cũng theo ông Hải với nhu cầu về ván MDF nhằm sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất xuất khẩu như hiện nay, công suất của nhà máy mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho thị trường, việc này dẫn đến các doanh nghiệp phải nhập khẩu ván MDF về để sản xuất. Trước nhu cầu đó, theo chiến lược phát triển của Kim Tín Group đến năm 2015, Nhà máy sẽ được tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất lên khoảng 300.000 m3 sản phẩm/ năm.
Không chỉ là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển đa ngành, đa nghề của tập đoàn, nhà máy còn góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu phế thải từ các nhà máy chế biến gỗ, các loại cành, ngọn do tỉa rừng hàng năm, các loại cây điều, tràm keo lai, cao su đã hết thời gian khai thác…
Cho tới nay, Kim Tín đang tiến hành triển khai khảo sát để đến năm 2015 sẽ thực hiện trồng kín 5.000 ha rừng nguyên liệu đã được lãnh đạo tỉnh Bình Phước và các cấp thông qua. Ngoài việc đưa vào vận hành nhà máy ván ép giá rẻ công nghiệp tại Bình Phước, Tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một khu liên hợp các nhà máy chuyên về sản xuất vật liệu, thiết bị hàn ở Long An.